Tại Hội nghị Tổng giám đốc các công ty bảo hiểm phi nhân thọ vào cuối tháng 9/2020, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã đề nghị các công ty bảo hiểm phi nhân thọ nghiên cứu đề xuất giảm phí bảo hiểm xe.
Đề nghị trên xuất phát từ kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) gửi Bộ Tài chính hồi cuối tháng 8/2020.
Kiến nghị này cũng được gửi tới Văn phòng Chính Phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cục quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).
Trước đó, vào ngày 31/8/2020 tại công văn số 91/CV-HHVT, do Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) là ông Nguyễn Văn Quyền ký, đã nêu ra những khó khăn mà các chủ xe kinh doanh vận chuyển hành khách gặp phải do Covid-19.
Cụ thể, từ cuối tháng 1/2020, khi Covid-19 lan rộng trên thế giới, lượng hành khách sử dụng dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng trong nước cũng bắt đầu có dấu hiệu giảm. Đặc biệt kể từ sau Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 thì 100% xe kinh doanh vận chuyển hành khách dừng hoạt động từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 22/4/2020.
Sau đó, với việc chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, hoạt động vận chuyển hành khách công cộng được nối lại sau ngày 22/4/2020 nhưng lượng hành khách đã giảm rất mạnh, doanh thu chỉ đạt khoảng 20-30% so với trước khi có dịch Covid 19.
“Nguyên nhân là do nhu cầu đi lại của nhân dân giảm bởi một số hoạt động vui chơi giải trí vẫn bị cấm, bên cạnh đó là sự e ngại với dịch bệnh nên hành khách hạn chế sử dụng dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng”, theo công văn của VATA.
Chưa dừng lại, vào ngày 25/7/2020, khi Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm Covid-10 đầu tiên trong cộng đồng sau thời gian dài không ghi nhận ca nhiễm mới, một lần nữa, tất cả hoạt động vận chuyển hành khách công cộng tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hải Dương phải dừng hoạt động kể từ 0h ngày 28/7/2020.
“Do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19, hàng vạn xe vận chuyển hành khách công cộng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương phải dừng hoạt động hoàn toàn, các địa phương chỉ hoạt động cầm chừng, kéo theo hàng vạn lao động phải nghỉ chờ việc không hưởng lương, hoặc chỉ nhận một phần tiền lương nên đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn”, theo VATA.
Trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hành khách, VATA kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe ô tô kinh doanh vận chuyển hành khách gồm: xe taxi, xe buýt, xe kinh doanh vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe kinh doanh vận chuyển hành khách theo hợp đồng, xe kinh doanh vận chuyển hành khách du lịch trong thời gian thực hiện phòng chống đại dịch Covid.
Cụ thể, giảm 100% phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với các phương tiện trong thời gian thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính Phủ (trong tháng 4/2020, cho các đơn vị kinh doanh vận chuyển hành khách trong toàn quốc và từ ngày 25/7/2020 đến khi có lệnh dừng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg cho các đơn vị kinh doanh vận chuyển hành khách tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hải Dương).
Bên cạnh đó, giảm 30% phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ phương kinh doanh vận chuyển hành vi trong phạm vi cả nước đang tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid trong tình hình mới theo Chỉ thị 19/CT-TTg cùa Thủ tướng Chính Phủ cho các tháng còn lại của năm 2020.
Như vậy, sau khi Hiệp hội vận tải ô tô kiến nghị, Bộ Tài chính đã đề nghị các công ty bảo hiểm phi nhân thọ nghiên cứu đề xuất giảm phí bảo hiểm xe theo kiến nghị của Hiệp hội này. Tuy nhiên, phía nhà bảo hiểm sẽ chấp nhận giảm ở mức nào, Đầu tư chứng khoán sẽ tiếp tục ghi nhận khi có thông tin mới.
Tính đến hết tháng 8 năm 2020, theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới doanh thu đạt 11.311 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 30% trong tổng doanh thu toàn thị trường, bồi thường 5.231 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 46%.
Doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 3.093 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8%, tăng trưởng 23%, tỷ lệ bồi thường 17%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 8.218 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 22%, bồi thường 4.711 tỷ đồng.
Với nguồn thu này, bảo hiểm xe cơ giới vẫn là mảng bảo hiểm chính, đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong 8 tháng qua. Theo đó, tổng doanh thu của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 37.100 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 10%.